Các đập thủy điện xả nước khiến mực nước sông Mê Kông trong mùa khô thường xuyên cao hơn bình thường cùng kỳ nhiều năm, có khả năng gây hại cho hệ sinh thái của dòng sông.
Bản tin của dự án MDM (Giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mê Kông) mới đây cho biết: Hệ sinh thái của dòng Mê Kông tiếp tục bị gây hại do mực nước sông luôn cao từ việc xả nước của hệ thống đập thủy điện. Đặc biệt, các khu vực đất ngập nước dọc hai bên dòng sông không có thời gian nước rút như những mùa khô trước đây nên nhiều loài sinh vật không thể sinh sản. Hệ sinh thái bị ảnh hưởng cũng trực tiếp tác động đến cuộc sống của cộng đồng cư dân sống dựa vào nguồn tài nguyên của dòng sông.
Báo cáo nhận định: “Ngoài sản xuất thủy điện, dòng chảy mùa khô cao hơn mang lại rất ít lợi ích. Chúng hủy hoại hệ sinh thái của các khu rừng ngập nước và vùng đất ngập nước dọc theo dòng sông, giết chết trứng chim di cư và làm giảm diện tích đất dành cho sản xuất ven sông”.
Cụ thể, trong tuần thứ 2 của tháng 3, các hồ chứa trên khắp lưu vực hạ lưu đã xả 600 triệu m3 nước vào tuần trước để sản xuất điện. Còn trong suốt tháng 2, các đập trên khắp lưu vực đã xả ra ước tính 4,16 tỉ m3 nước. Những đợt xả thải tích lũy này đã tạo ra tổng lượng nước chảy vào Stung Treng (Campuchia) lên tới 9,21 tỉ m3, cao hơn 42% so với mức trung bình hàng tháng trong giai đoạn 1910 – 2007 là 6,48 tỉ m3.
Theo số liệu quan trắc của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC), mực nước thực tế tại nhiều trạm đo cũng xác thực điều tương tự. Đặc biệt, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc thuộc vùng đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu của Việt Nam từ đầu mùa khô đến nay luôn cao hơn trung bình nhiều năm.
Bên cạnh việc xả nước của các đập thủy điện thì điều kiện thời tiết ở vùng đầu nguồn của sông Mê Kông ở Trung Quốc ẩm ướt bất thường, do mùa xuân tan băng sớm hơn thường lệ. Phần giữa và phía nam của Lào, phía bắc Thái Lan, tây Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long cũng ẩm ướt hơn bình thường do mưa nhiều.