CÂU HỎI PHỎNG VẤN CỦA BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
(Vietnam Business Forum)
Hiện nay, tình trạng chất thải chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường đã và đang trở thành vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường nói chung. Chất thải nếu không được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để thải ra môi trường sẽ gây các tác động tiêu cực đến môi trường như: gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Vậy bằng cách nào có thể hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường mà còn giúp hài hòa lợi ích về mặt kinh tế, môi trường và xã hội cho các doanh nghiệp? Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Sasama Tomoyuki, Tổng Giám đốc, Công ty Dow tại Việt Nam trước thềm Hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường” tổ chức ngày 27/7/2016 tại Hà Nội và ngày 28/7/2016 tại Tp. Hồ Chí Minh do VCCI tổ chức.
PV: Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm khá mới mẻ và hiện nay số doanh nghiệp Việt Nam hiểu đúng về khái niệm này còn là con số nhỏ chứ chưa thể nói tới việc áp dụng thực hiện. Vậy ông có thể cho biết ngắn gọn Nền kinh tế tuần hoàn là gì và tại sao nên thực hiện mô hình này trong bối cảnh hiện nay và nó có khác gì so với nền kinh tế truyền thống?
Có một thực tế rõ ràng là nhiều tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh chúng ta đang sống ngày càng trở nên khan hiếm, cạn kiệt – nước ngọt khan hiếm, nguồn nhiên liệu hóa thạch có hạn và chi phí các doanh nghiệp, chính phủ và xã hội gánh chịu đang ngày càng trở nên nặng nề hơn. Hơn bao giờ hết và không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta cần phải thay đổi hành vi và chuyển sang mô hình tiêu dùng bền vững.
Hiện tại, chúng ta đang sống trong nền kinh tế tuyến tính nơi hàng hoá chúng ta sử dụng hàng ngày được sản xuất từ nguyên liệu, được bán, được sử dụng và sau đó bị thải loại sau khi sử dụng. Dow đang đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền một kinh tế mà trong đó các hoạt động tái thiết kế, tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất được thực hiện với mục tiêu kéo dài tuổi thọ và giá trị của vật chất. Do vậy, chúng ta sẽ bảo tồn các nguồn tài nguyên trong “nền kinh tế tuần hoàn” và tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa việc sử dụng và tái sử dụng các nguồn lực và cuối cùng là giảm lượng chất thải mà chúng ta phải xử lý thông qua chôn lấp.
Nói tóm lại, khái niệm kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu như sau “Trước đây, người ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và kết thúc quá trình sử dụng là chất thải. Nhưng hiện nay, người ta bắt đầu sử dụng hàng hóa, và đó là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là nền kinh tế tuần hoàn, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai”.
PV: Việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có những thuận lợi và thách thức gì?
Một trong những lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn là các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam rất coi trọng và theo đuổi với chiến lược phát triển bền vững dài hạn. Tuy nhiên, nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển hiệu quả cần có sự đồng thuận của cả Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Quá trình biến nhận thức về 3R (Giảm thiểu – reduce, tái sử dụng – reuse và tái chế – recycle) thành hành vi và hành động sẽ cần nhiều thời gian. Hơn nữa, quá trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cần có công nghệ và khả năng đổi mới nhằm tái sử dụng các nguồn lực hiệu quả mà nó không chỉ tốt cho môi trường mà còn tốt cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê Việt Nam, hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ vốn rất thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực và khả năng đổi mới để áp dụng nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn.
PV: Là công ty sản xuất hóa chất, Dow sẽ đóng góp như thế nào vào quá trình triển khai sáng kiến nền kinh tế tuần hoàn?
Công nghiệp hóa chất đóng vai trò quan trọng trong xã hội vì hóa chất là sản phẩm vô cùng quan trọng đối với tiến bộ của nhân loại. Cụ thể, công nghiệp hóa chất đang cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho lĩnh vực sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích và thiết yếu cho người tiêu dùng như thuốc men, chất dẻo, thiết bị điện tử, vải tổng hợp, sản phẩm hóa dầu, xăng dầu, và hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, công nghiệp hóa chất cũng hỗ trợ các ngành công nghiệp khác, không chỉ công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
Dow không chỉ là một nhà sản xuất hóa chất hàng đầu mà còn là một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp và khoa học tiên phong đang giúp Việt Nam giải quyết các thách thức (các ngành công nghiệp phụ trợ, thiếu nước uống sạch và an toàn, biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển bền vững và năng suất). Chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn không những quan trọng đối với quá trình bảo tồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh của chúng ta mà còn quan trọng đối với sự thành công của các doanh nghiệp thuộc Dow. Theo Quỹ Ellen MacArthur, các chuỗi cung ứng tuần hoàn mà tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất có thể tạo ra hơn 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2025. Đặc biệt, với vị trí lãnh đạo trong ngành sản xuất vật liệu sử dụng trong công nghiệp đóng gói bao bì nhựa và các giải pháp nước, chúng tôi có cơ hội đi đầu trong hỗ trợ phát triển và thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, có tính đến vòng đời của một sản phẩm – từ hình thành tới sử dụng và đào thải – trong tất cả mọi sản phẩm chúng tôi làm ra. Do đó, chúng tôi sẽ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua cung cấp các giải pháp hình thành các chu kỳ tài nguyên khép kín.
Hiện nay, với vai trò Đồng Chủ tịch của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Dow đã tích cực đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua các hoạt động của VBCSD và Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam với mục tiêu giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển hoạt động kinh doanh bền vững hiệu quả hơn. Đặc biệt, Dow cũng đã tài trợ cho Chương trình đào tạo “Sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải”, một phần của quá trình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với hơn 2.000 người tham gia trong 3 năm qua.
PV: Được biết Tập đoàn Dow hiện đã triển khai thành công một số mô hình, sáng kiến “Nền kinh tế tuần hoàn”, vậy xin ông vui lòng chia sẻ kinh nghiệm?
Chúng tôi đã đạt được những bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn trên thế giới. Chúng tôi có những sáng kiến và công nghệ chuyển đổi vật phẩm vốn trước được coi là “chất thải” thành các sản phẩm và dịch vụ mới như dưới đây:
- Thông qua Chương trình thí điểm Túi năng lượng ở thành phố Citrus Heights, bang California, Dow đã giúp chuyển đổi 6.000 pound nhựa thải vốn chưa từng được tái chế trước đây – như túi nước trái cây, giấy gói kẹo và đồ chứa thức ăn bằng nhựa – thành 512 gallon nhiên liệu.
- Thông qua quan hệ đối tác công-tư, Dow Terneuzen tại Hà Lan, nhà máy chế biến hóa chất lớn nhất của chúng tôi ở ngoài Hoa Kỳ tái sử dụng 30.000 mét khối nước thải đô thị mỗi ngày để sản xuất hơi nước và cung cấp cho các nhà máy sản xuất. Dow Terneuzen đã giảm 95% năng lượng sử dụng so với chi phí năng lượng cần thiết để khử muối nước biển theo cách thông thường. Hoạt động này tương đương với việc giảm 60.000 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Dow muốn chấm dứt hoàn toàn sự lệ thuộc vào nguồn nước ngọt tại Terneuzen vào năm 2020.
- Hệ thống SAFECHEM của Dow, được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công nhận là sáng kiến đổi mới môi trường, là một giải pháp làm sạch khép kín giúp giảm tới 98% các dung môi cần thiết trong giải pháp làm sạch bề mặt kim loại chính xác cao và giặt khô
PV: Trong bối cảnh những lo ngại về an ninh nguồn lực, đạo đức và an toàn cũng như vấn đề cắt giảm khí nhà kính… đang khiến cho việc thực hiện mô hình nền kinh tế tuần hoàn trở nên quan trọng và cần thiết đối với mọi quốc gia, tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này có vẻ sẽ tốn kém hơn so với các mô hình khác, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu cả nguồn lực tài chính và con người. Với Việt Nam, ông có lời khuyên gì cho câu chuyện này và ông vui lòng cho biết một số dự định của Tập đoàn Dow trong thời gian tới tại Việt Nam, đặc biệt việc trong việc đi tiên phong cùng khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong việc áp dung mô hình này?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng quá trình chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn rất cần thiết đối với xã hội để tiến tới mức tiêu thụ bền vững bởi vì các nguyên liệu vốn trước đây được coi là “chất thải” có khả năng được biến thành các sản phẩm mới và được sử dụng cho các mục đích khác. Đáng chú ý là đổi mới trong ngành hóa học giúp chuyển đổi chất thải thành nguyên liệu, điều mà trước đây chúng ta không nghĩ tới. Ngoài ra, kiến thức và kỹ năng sáng tạo của Dow có vai trò quan trọng trong phát triển các giải pháp mở rộng nhằm hình thành các chu kỳ khép kín trong kinh tế tuần hoàn. Dow nắm cơ hội đi tiên phong hỗ trợ phát triển và tiến hành các công nghệ mới nhằm thúc đẩy các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn. Các giải pháp của Dow duy trì giá trị sử dụng và giá trị cao nhất của sản phẩm và nguyên liệu, giúp kéo dài thời gian sử dụng và hệ sinh thái giá trị trong suốt vòng đời của của sản phẩm và nguyên liệu.
Hiện nay, Dow đang đi đầu trong kế hoạch thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững tới năm 2025. Trong đó, Dow sẽ hợp tác với các doanh nghiệp đầu ngành khác, các tổ chức phi lợi nhuận và chính phủ các nước thực hiện 6 dự án kinh tế tuần hoàn lớn trong vòng 10 năm tới. Ngoài ra, Dow cũng sẽ hợp tác với các doanh nghiệp đầu ngành khác, các tổ chức phi lợi nhuận và chính phủ các nước thực hiện 3 dự án lớn nhằm cung cấp các giải pháp và kế hoạch thực hiện các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn cho tới năm 2020. Đến năm 2025, Dow cùng với các đối tác sẽ thực hiện 3 dự án bổ sung tại các địa điểm có cơ sở sản xuất của Dow hay trực tiếp ảnh hưởng các doanh nghiệp thuộc Dow.
Đối với Việt Nam, sau khi tổ chức hai hội thảo về kinh tế tuần hoàn và với vai trò là Đồng Chủ tịch và thành viên sáng lập tích cực của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ tổ chức hội thảo tái chế các sản phẩm nhựa tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành giúp nâng cao nhận thức về tái chế các sản phẩm nhựa và thúc đẩy 3R tại Việt Nam.
Đáng chú ý là các sản phẩm của Dow là nguyên liệu đầu vào thiết yếu đối với nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Là đối tác quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của Việt Nam, Dow Việt Nam luôn nỗ lực nâng cao giá trị cho hầu hết các ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến của Việt Nam. Với trình độ chuyên môn và giải pháp sáng tạo của mình, Dow giúp giải quyết những thách thức và lo ngại cấp quốc gia ngày càng gia tăng trong khi tập trung vào tính bền vững và an toàn, điển hình là các tòa nhà và vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu bán dẫn cho tới các thiết bị điện tử tiên tiến, các ứng dụng bao bì thực phẩm và chất dẻo. Dow cam kết là “Một đối tác tăng trưởng kinh tế, một thành viên chăm lo cho cộng đồng Việt Nam”.