QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
HỘI ĐỒNG TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI VIỆT NAM
Chương I
Chức năng- Nhiệm vụ của Hội đồng Trách nhiệm Xã hội Việt Nam
Điều 1. Responsible Care (RC) – Trách nhiệm Xã hội (TNXH) là hoạt động tự nguyện của các nhà sản xuất- kinh doanh hóa chất nhằm ngày càng làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường, chăm lo sức khỏe người lao động của doanh nghiệp và dân cư cộng đồng, đề phòng các tai nạn, sự cố hóa chất từ khâu sản xuất, lưu trữ, phân phối, sử dụng tới xử lý chất thải.
Hội đồng Trách nhiệm Xã hội Việt Nam (HĐTNXHVN) – tên quốc tế là Vietnam Responsible Care Council (VRCC) là một tổ chức chuyên môn của Hội Hóa học Việt Nam- thành viên của Tổ chức TNXH châu Á- Thái Bình Dương (APRO), tập hợp sự tham gia tự nguyện của các doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh hóa chất thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
HĐTNXHVN có logo riêng và trụ sở làm việc tại Văn phòng Hội Hóa học Việt Nam.
Điều 2. Chức năng của HĐTNXHVN là tập hợp, khuyến khích, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, an toàn, sức khỏe (EHS) ở các đơn vị thành viên.
Điều 3. HĐTNXHVN có nhiệm vụ:
1- Phổ biến, hỗ trợ các đơn vị đơn vị thành viên lựa chọn, tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn theo 6 quy phạm quản lý (code) sau:
a/ Quy phạm số 1- Quản lý sản phẩm. Quy phạm này làm cho việc bảo vệ môi trường, an toàn, sức khỏe của người lao động cũng như cộng đồng trở thành một bộ phận không thể tách rời trong thiết kế, sản xuất, phân phối, sử dụng, tái chế và thải bỏ các hóa chất. Nó cung cấp những hướng dẫn cũng như phương pháp đánh giá quá trình không ngừng cải tiến quản lý sản phẩm.
b/ Quy phạm số 2- An toàn trong sản xuất. Mục tiêu của quy phạm này nhằm ngăn ngừa cháy nổ và rò rỉ hóa chất. Phạm vi của quy phạm bao gồm quá trình sản xuất, chế biến, xử lý và bảo quản các hóa chất.
c/ Quy phạm số 3- Ngăn ngừa ô nhiễm. Mục tiêu của quy phạm này nhằm giảm lượng chất ô nhiễm từ nhà máy thoát vào không khí, đất và nước, làm môi trường sạch hơn, làm tăng độ an toàn và sức khỏe của người lao động cũng như cộng đồng.
d/ Quy phạm số 4- Phân phối sản phẩm. Mục tiêu là giảm thiểu các rủi ro nguy hiểm xảy ra do khâu phân phối hóa chất trong cộng đồng dân cư, giúp việc phân phối hóa chất an toàn hơn. Nó bao gồm các nội dung quản lý rủi ro, kiểm tra, huấn luyện, tổ chức vận chuyển và bảo quản cũng như qui trình cấp cứu khi xảy ra sự cố.
e/ Quy phạm số 5- Sức khỏe và an toàn của người lao động. Mục tiêu của quy phạm là bảo vệ, nâng cao sức khỏe và sự an toàn của người lao động đang làm việc hoặc người đang tham qua tại cơ sở sản xuất. Điều này được thực hiện thông qua việc nhận dạng và đánh giá các mối nguy hiểm, ngăn ngừa những hành động hoặc điều kiện không an toàn, duy trì và cải thiện sực khỏe và an toàn của người lao động và khuyến khích đối thoại về vấn đề sức khỏe và an toàn.
f/ Quy phạm số 6- Nhận thức của cộng đồng và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Mục tiêu của quy phạm này là đảm bảo tính sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp và khuyến khích thực hiện quyền được biết của cộng đồng.
- Tham gia xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, an toàn và sức khỏe.
- Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu liên quan đến các biện pháp bảo vệ môi trường và con người.
- Tổ chức tham gia các hội thảo khoa học, mở lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn ở trong và ngoài nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn về EHS cho các đơn vị thành viên.
Chương II
Tổ chức của HĐTNXH Việt Nam
Điều 4. Thành viên cảu HĐTNXH Việt Nam là các doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh và các chuyên gia có nhiều nỗ lực và đạt được thành tích tốt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, an toàn và sức khỏe trong lĩnh vực hóa chất đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế tự nguyện gia nhập Hội đồng.
Mỗi đơn vị thành viên được cử 1 người đại diện tham gia Hội đồng.
Điều 5. Quyền lợi của thành viên HĐTNXH Việt Nam
- Người đứng đầu thành viên HĐTNXH Việt Nam đồng thời là người đứng đầu doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình có quyền :
a/ Chọn mô hình tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác TNXH của doanh nghiệp.
b/ Lựa chọn áp dụng một số hoặc toàn bộ các quy phạm quản lý trong công tác TNXH.
- Được tham gia các tổ chức của Hội đồng.
- Tham gia thảo luận, quyết định các hoạt động của Hội đồng.
- Được Hội đồng tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ trong hoạt động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý sản xuất, ngăn ngừa và ứng phó rủi ro hóa chất, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho cán bộ, công nhân trong doanh nghiệp và cộng đồng, thông qua các lớp học chuyên đề, hội thảo khoa học, tham quan khảo sát thức tế ở trong và ngoài nước.
Làm tốt công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường sức khỏe cho CBCNVC và cộng đồng, phòng ngừa, ứng phó, xử lý tốt các tai nạn, sự cố hóa chất, ngoài việc đem lại lợi ích về kinh tế còn mang lại hình ảnh thân thiện, nâng cao thương hiệu doanh nghiệp trên thương trường.
- Tham gia Hội đồng Trách nhiệm Xã hội là sự khẳng định của doanh nghiệp đối với xã hội về nhận thức tự giác trách nhiệm của mình với xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ nhận được khuyến khích từ các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng. Sản phẩm của doah nghiệp được mang logo của TNXH sẽ được người tiêu dùng trong, ngoài nước tín nhiệm, ưa thích, là thông hành để doanh nghiệp tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
- Các thành viện của VRCC được Hội đồng bảo vệ quyền lợi hợp pháp trước công luanạ và pháp luật.
Điều 6. Nghĩa vụ của thành viên HĐTNXH Việt Nam
- Tôn trọng, chấp hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
- Tích cực tham gia thực hiện các chương trình công tác đã được Hội đồng thống nhất thông qua.
- Chủ đồng đề xuất (có tham khảo tư vấn của Hội đồng) chương trình công tác hàng năm ở đơn vị mình và báo cáo kết quả thực hiện lên Hội đồng.
- Đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong Hội đồng, góp phần phát huy hiệu quả hoạt động TNXH, bảo vệ uy tín của HĐTNXH Việt Nam.
- Đóng góp lệ phí vào quý I hàng năm theo nguyên tắc phù hợp với quy mô doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ với mức:
- 10 triệu đồng/năm
- 20 triệu đồng/năm
- Từ 30 đến 50 triệu đồng/năm.
Mức lệ phí này có thể thay đổi theo từng thời kỳ theo sự thỏa thuận của các thành viện Hội Đông VRCC
Lệ phí được chuyển vào Ngân hàng Thương mai Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), địa chỉ 64-68 Lý Thường Kiệt, Quanạ Hoàn Kiếm, Hà nôi,
Số tài khoản 001704060028279
Tên Tài khoản: Hội Hóa học Việt Nam
Điều 7. Hội đồng TNXH Việt Nam được tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và khoa học. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội đồng là Đại hội toàn thể các thành viên.
Nhiệm kỳ đại hội là 5 năm 1 lần. Mỗi năm hop toàn thể Hội đồng 1 lần.
Đại hội có thể họp bất thường khi có yêu cầu của ít nhất 1/3 số đơn vị thành viên.
Đại hội có nhiệm vụ:
- Thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Hội đồng, bàn phương hướng, kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ sau.
- Thảo luận, thông qua và bổ sung, sửa đổi Quy chế hoạt động (nếu có).
- Bầu ra Ban Thường trực lãnh đạo Hội đồng gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Thư ký và một số ủy viên trình Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam phê chuẩn.
Điều 8. Thường trực Hội đồng TNXH Việt Nam là cơ quan điều hành hoạt động của Hội đồng giữa 2 kỳ họp của Hội đồng. Thường trực Hội đồng TNXH Việt Nam có các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức triển khai các Nghị quyết, kế hoạch công tác do Đại hội, hội nghị toàn thể Hội đồng đề ra.
- Hướng dẫn tổ chức TNXH của đơn vị thành viên thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của hoạt động TNXH thông qua các hình thức tổ chức các lớp học nghiệp vụ, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, v.v.
- Thay mặt Hội đồng xem xét kết nạp hội viên mới và xóa tên thành viên không có điều kiện tiếp tục tham gia Hội đồng (doanh nghiệp ngừng hay chuyển hoạt động) hoặc có hành vi làm mất thanh danh của Hội đồng.
- Thay mặt Hội đồng làm công tác quan hệ đối nội, đối ngoại thuộc lĩnh vực chuyên môn của tổ chức TNXH. Thực hiện nghĩa vụ của một tổ chức thành viên của Hội Hóa học Việt Nam.
- Giải quyết các công việc phát sinh thường ngày liên quan tới hoạt động của Hội đồng và các đơn vị thành viên.
Điều 9. Nhiệm vụ của các thành viên thường trực Hội đồng TNXH Việt Nam:
- Chủ tịch:
a/ Là người đại diện pháp nhân của Hội đồng TNXH Việt Nam.
b/ Chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động của Hội đồng.
c/ Chủ trì, điều hành các kỳ họp của cơ quan thường trực và toàn thể Hội đồng.
d/ Ký các quyết định liên quan tới tổ chức, nhân sự và hoạt động của Hội đồng.
- Phó Chủ tịch:
Số Phó Chủ tịch do Đại hội toàn thể Hội đồng quyết định. Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch điều hành công việc của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch.
- Thư ký Hội đồng có nhiệm vụ:
a/ Thay mặt và theo sự ủy quyền của Chủ tịch điều hành công việc của Ban Thư ký.
b/ Phụ trách, điều hành công việc của bộ phận văn phòng Hội đồng.
c/ Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng giao.
d/ Thừa ủy quyền của Chủ tịch ký các văn bản giao dịch.
Chương III
Tài sản và tài chính
Điều 10. Nguồn tài chính của Hội đồng TNXH Việt Nam gồm:
- Hội phí hội viên do Hội đồng quy định.
- Tài trợ của các tổ chức hoặc cá nhân trong và ngoài nước và nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 11. Chủ tịch Hội đồng TNXH Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và định kỳ báo cáo công khai trước Hội đồng.
Chương IV
Hiệu lực của quy chế
Điều 12. Bản quy chế này gồm 4 chương, 13 điều, được Đại hội thành lập Hội đồng Trách nhiệm xã hội Việt Nam thông qua ngày tháng năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày được Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam phê chuẩn.
Điều 13. Trong quá trình hoạt động, nếu có điều gì cần bổ sung hoặc thay đổi, Hội đồng Trách nhiệm xã hội Việt Nam sẽ đề xuất để Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam xem xét quyết định.
PHÊ DUYỆT CỦA CHỦ TỊCH HỘI HÓA HỌC VIỆT NAM |
CHỦ TỊCH HÔI ĐỒNG TNXH VIỆT NAM |