Ứng phó sự cố hóa chất: Nâng cao trách nhiệm, nhận thức của toàn xã hội

Thứ hai, 22/08/2016, 09:12 (GMT+7)

Thế giới từng chứng kiến những sự cố hóa chất kinh hoàng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản; hủy hoại môi trường lâu dài, thậm chí kéo dài từ vài chục đến hàng trăm năm nhưng chưa chắc khắc phục được. Tại Việt Nam, nhiều sự cố môi trường có liên quan đến hóa chất độc hại từ hoạt động của doanh nghiệp (DN) vẫn liên tiếp xảy ra, mà điển hình như vụ sự cố Formosa gây xôn xao du luận gần đây. Vậy phải làm thế nào để giảm tối đa các sự cố hóa chất này?

Nỗ lực phòng ngừa

TS Chử Văn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội của các DN Hóa chất Việt Nam (VRCC) cho biết, để hạn chế sự cố hóa chất xảy ra, yếu tố quan trọng chính là việc nỗ lực, chủ động phòng ngừa; tổ chức diễn tập định kỳ… Thực tế cho thấy, mọi hoạt động sản xuất của các DN đều tiềm ẩn các yếu tố rủi ro, gây nguy hại cho môi trường sống. Song song đó, việc thường xuyên tuyên truyền, cung cấp thông tin cho cán bộ, công nhân viên tại DN về việc ứng phó, phối hợp khi xảy ra sự cố về môi trường… cũng là yếu tố cần được thực hiện đều đặn, nghiêm túc.

Theo ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), thì Hội đồng trách nhiệm xã hội (RC) tại công ty luôn đảm bảo cân bằng an toàn trong sản xuất và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của các quy định này nhằm ngăn ngừa cháy nổ và rò rỉ hóa chất; giảm lượng chất ô nhiễm từ nhà máy thoát vào không khí, đất và nước, làm môi trường sạch hơn, làm tăng độ an toàn, sức khỏe của người lao động, cộng đồng…

Chia sẻ kinh nghiệm về việc phòng ngừa sự cố hóa chất, lãnh đạo Công ty Dow tại Việt Nam, dẫn chứng, từ năm 1985, Công ty Dow đã áp dụng chương trình Care program trên quy mô toàn cầu, hướng vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về hóa chất, quá trình và các kế hoạch ứng phó khẩn cấp tại DN. Chương trình được triển khai dưới dạng các diễn đàn, tổ chức tư vấn cộng đồng, kế hoạch đặc thù bảo vệ cộng đồng… Bên cạnh đó, chương trình cũng nhằm vào việc nâng cao nhận thức đào tạo, phối hợp với các kế hoạch của DN, cộng đồng nhằm hỗ trợ lẫn nhau kết hợp huấn luyện, đào tạo. Ngoài ra, Công ty Dow còn có các hệ thống như quản lý vận hành đa ngành, hệ thống quản lý khủng hoảng CMS… Đối với việc xử lý sau sự cố, rất cần thời gian, nhân lực, tài lực và sự chỉ huy. Quá trình phục hồi, bao gồm tổ chức chỉ huy trong phục hồi, thường bắt đầu ngay sau khi tuyên bố trường hợp khẩn cấp đã kết thúc; đảm bảo an ninh, an toàn trong khu vực; hỗ trợ nhân viên; điều tra sự cố; đánh giá thiệt hại; thông tin và phối hợp với cộng đồng để cùng khắc phục.

Tự nguyện gắn với “siết” quản lý

Song song với việc khuyến khích các DN chủ động, tự nguyện có trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng cách chủ động ứng phó các sự cố hóa chất; thì chính nhà nước, các cơ quan chuyên trách cũng cần quản lý mạnh tay, kiên quyết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Bởi việc kêu gọi DN tự nguyện chi nhiều tiền cho công tác bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến lợi nhuận là điều không phải doanh nghiệp nào cũng mong muốn hợp tác. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp hóa chất thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, lấy dẫn chứng cụ thể về việc nhiều DN thuê công ty ông thiết kế các hạng mục kiểm soát sự cố hóa chất (kho bãi, mạng lưới an toàn…) nhưng khăng khăng đòi phải giảm giá thành. “Thông thường, tiền nào của đó. Giá quá rẻ đi đôi với chất lượng không đảm bảo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các sự cố đáng tiếc về môi trường trong thời gian gần đây”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông Diệp Đăng Khoa, công tác tại Cục Hóa chất tại TPHCM, cho rằng, các DN cần thiết kế kế hoạch kiểm soát, phòng ngừa rủi ro hóa chất. Chẳng hạn như: liệt kê danh sách hóa chất và khối lượng tồn trữ tối đa tại một thời điểm; kiểm soát đường đi của hóa chất; kiểm soát sức khỏe định kỳ của người lao động, đào tạo an toàn hóa chất định kỳ… Việc lập kế hoạch này hướng tới việc nâng cao khả năng phòng ngừa, xử lý khi có tình huống thực xảy ra; đồng thời cũng mang tới lợi ích cho chính bản thân doanh nghiệp, cộng đồng. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi DN phải chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật. Ông Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch Riêng VRCC, thông tin thêm, trong thời gian tới VRCC sẽ tăng cường mở thêm các khóa đào tạo, huấn luyện cho các doanh nghiệp, với nhiều chủ đề như phương pháp xây dựng ma trận phản ứng đối với các sản phẩm là hỗn hợp hóa chất nguy hiểm; ứng phó sự cố, xử lý tràn hóa chất; chương trình kiểm soát hóa chất tại DN… Ngoài ra, VRCC thực hiện thuê tên miền, nâng cấp trang mạng điện tử cả về nội dung, hình thức để các DN sẵn sàng cập nhật thông tin.

Nhìn nhận ở góc độ cơ quan chuyên trách, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trường Cục Hóa chất Bộ Công thương, cho biết, các quy định pháp luật về việc phòng ngừa, xử lý, cấp giấy phép vận chuyển, kinh doanh hóa chất… đều đã có. Tuy vậy, DN thực hiện đến đâu lại là chuyện hoàn toàn khác. Chưa kể, cũng có tình trạng DN đối phó qua quýt cho xong khi thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Ngoài ra, DN cũng phản ánh tình trạng bị vòi vĩnh, khi phải liên tục tiếp đón các đoàn, đơn vị tới để hướng dẫn, đào tạo. “DN cần chủ động thực hiện, đào tạo tại chỗ, sau đó mời Sở Công thương của từng địa phương tới giám sát, cấp chứng nhận chứ không nhất thiết phải mời các đơn vị khác đến đào tạo. Việc nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay là điều cực kỳ quan trọng giúp DN, cộng đồng giảm thiểu rủi ro về môi trường, xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với thích ứng môi trường một cách hài hòa, bền vững”, ông Nguyễn Xuân Sinh nhấn mạnh.

Ứng phó sự cố hóa chất nên xem là khoản đầu tư

Trao đổi riêng với PV Báo SGGP, ông Sasama Tomoyuki, Tổng Giám đốc Công ty Dow tại Việt Nam cho rằng, DN cần xem việc đầu tư cho ứng phó sự cố hóa chất như một khoản đầu tư, thay vì chạy theo lợi nhuận như hiện nay. Các nhà tiêu dùng trên thế giới đang hướng vào việc tiêu thụ những sản phẩm mà DN đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường tốt, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, trách nhiệm vì cộng đồng, xã hội… chứ không chạy theo những sản phẩm cạnh tranh giá rẻ. Do vậy, DN rất cần nắm bắt nhanh nhạy, hiểu được nhu cầu thực của thị trường, nhất là ở các quốc gia phát triển để dễ dàng thích nghi, định hướng sản xuất, kinh doanh lâu dài, bền vững cho DN. Chúng tôi quan niệm rằng, việc sản xuất ra các sản phẩm thân thiện môi trường là một vòng tuần hoàn khép kín và mọi người trong công ty luôn làm việc bằng cả trái tim.

Tuân thủ luật pháp, vì an toàn môi trường

Ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Casumina, khẳng định, trước thực tế thị trường, công ty đã áp dụng các phương pháp quản lý, kỹ thuật tiên tiến nhằm duy trì, cải tiến hệ thống, đồng đều chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động. Thường xuyên đào tạo nguồn nhân lực, cung ứng các nguồn lực cần thiết để xây dựng, phát triển hệ thống RC trong toàn công ty; đồng thời tuân thủ yêu cầu luật pháp cũng như các yêu cầu khác của khách hàng về an toàn, sức khỏe và môi trường. Hiện công ty đã được cấp chứng nhận ISO-14001:2004; thực hiện lập biện pháp phòng ngừa sự cố hóa chất tại Xí nghiệp cao su Bình Dương theo thông tư 20/2013/TT-BCT… Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường ngăn ngừa nguy cơ tai nạn, đặt các biển báo dễ nhận biết tại nơi làm việc để cảnh báo nguy hiểm, tổ chức tự kiểm công tác an toàn; các kho hóa chất được sắp xếp gọn gàng, lập phiếu an toàn; làm gờ chắn tại các khu vực chứa dầu nhớt…

THI HỒNG – Báo Sài Gòn Giải phóng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *